Các chất hóa học tạo mùi thơm có trong tinh dầu giá rẻ, sáp thơm hay khử mùi thuốc lá có thể gây nôn ói, hôn mê sâu. Nếu bị ngộ độc nặng hoặc hít phải trong thời gian dài có thể gây ung thư, tổn thương não hoặc vô sinh.
“Phát ốm” vì mùi thơm
Thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều khiến bầu không khí trong nhà trở nên ẩm mốc khó chịu. Để giải quyết vấn đề này, nhiều gia đình sử dụng túi thơm, sáp thơm, nước hoa xịt phòng… để khử mùi trong nhà. Thế nhưng đây thực tế là phương pháp vô cùng nguy hại, có thể khiến người sử dụng chuốc họa, đặc biệt là với những loại sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Sáp thơm được giới thiệu là hàng nhập khẩu từ Thái Lan được bán tràn lan trên mạng nhưng không hề có nhãn mác, thông tin sản phẩm.
Chị Thu Huyên (Trung Kính, Cầu Giấy) mới đây chia sẻ câu chuyện của mình lên một group dành cho mẹ và bé. Cũng vì thời tiết mưa ẩm ướt, chị Huyên mua một lọ nước xịt phòng hương hoa hồng để khử mùi. Bên cạnh đó, dùng một lọ sáp thơm hương oải hương để trong phòng ngủ của hai vợ chồng và cậu con trai 3 tuổi.
Lúc mới sử dụng, bước vào nhà cảm giác rất dễ chịu với hương hoa khắp nơi. Tuy nhiên, sau 2 ngày đặt sáp thơm trong phòng ngủ, chị có cảm giác hơi nhức đầu mỗi buổi sáng ngủ dậy. Không những thế, con trai chị bắt đầu bị hắt hơi và chảy nước mũi.
Đến lúc này, vợ chồng chị Huyên mới tá hỏa kiểm tra lại chai nước khử mùi thì thấy đây là sản phẩm “trôi nổi”, bao bì hoàn toàn bằng tiếng Trung Quốc. Đặc biệt, khi nhìn vào thành phần hóa học của sản phẩm được viết bằng tiếng Anh, hai vợ chồng mới tá hỏa khi thấy nhiều hợp chất hóa học gây nguy hại đến sức khỏe.
Giá của chai khử mùi và sáp thơm này là 85.000 đồng, chị Huyên mua tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Trung Kính, Hà Nội. Quay lại cửa hàng tạp hóa này hỏi về nguồn gốc sản phẩm, chủ cửa hàng nói rằng đây là hàng xách tay từ Thái Lan, trong khi toàn bộ bao bì nhãn mác cũng như mã vạch lại có xuất xứ từ Trung Quốc?!
Một trường hợp tương tự là chị Hoàng Anh (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình. Chồng chị Hoàng Anh nghiện thuốc lá, dù đã cố gắng hút ít và hiếm khi hút thuốc trong nhà nhưng ngôi nhà vẫn bị ám mùi thuốc lá. Lo ngại rằng mùi thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe của các con, chị Hoàng Anh khử mùi cho toàn bộ nhà, sau đó dùng sáp thơm để duy trì mùi hương, tránh bị mùi thuốc lá ám trở lại.
Nhưng cũng giống như gia định chị Thu Huyên, các con nhà chị Hoàng Anh bỗng dưng ốm, quấy khóc. “Tôi không biết chính xác nguyên nhân của các dấu hiệu trên là do ngửi mùi sáp thơm hay do dị ứng với thời tiết. Chỉ biết, sau khi “di chuyển” lọ sáp thơm xuống đặt dưới tủ bếp thì thấy cháu hết hắt hơi và tôi cũng không còn cảm giác nôn nao nữa”, chị Hoàng Anh cho hay.
Các sản phẩm như sáp thơm, xịt khử mùi trôi nổi đều tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng.
Nguy cơ ngộ độc nặng, ung thư và vô sinh
PGS.TS Trần Hồng Côn – Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện nay đa phần những sản phẩm tạo hương thơm đều sử dụng hương công nghiệp, chỉ một số ít sử dụng các hương liệu tự nhiên.
Ngoài chất tạo mùi, cơ sở sản xuất phải sử dụng thêm các loại chất định hương để giữ mùi trên sản phẩm. Một số chất tạo keo trong công nghiệp có khả năng định hương rất tốt nhưng độc hại, có thể tác động trực tiếp tới hệ thần kinh của con người, gây nhức đầu, căng thẳng…
Với các cơ sở, công ty sản xuất được cấp phép, họ sẽ phải tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn về thành phần hóa học để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhưng với các mặt hàng trôi nổi, các cơ sở “chui” không được cấp phép hoặc xuất xứ không rõ ràng từ nước ngoài, thì các tiêu chuẩn này xem như không còn ý nghĩa.
Do vậy, ngay cả với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì người sử dụng vẫn phải đặc biệt lưu ý về mức độ an toàn, về cơ địa người sử dụng cũng như diện tích không gian. Còn với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc thì mức độ nguy hiểm là vô cùng lớn, có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến người sử dụng.
Cùng chung quan điểm, TS.BS Phan Thanh Sơn – Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh khẳng định, những đối tượng có nguy cơ bị ngộ độc là người có cơ địa dị ứng, bệnh hô hấp như suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh lý tim mạch. Ảnh hưởng sức khỏe rõ nhất là bị kích ứng đường hô hấp: hắt xì hơi, nghẹt mũi, ho, choáng váng, nặng ngực, khó thở – trong trường hợp nặng hơn có thể gây nôn ói, hôn mê.
Các loại sản phẩm tạo mùi công nghiệp có chứa nhiều hợp chất hóa học, mà trong số đó có những hợp chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Chúng có thể gây tác hại ngay hoặc có thể “ngấm” từ từ trong một thời gian dài gây nên các triệu chứng dị ứng, kích thích cơn hen, hay thậm chí là viêm đường hô hấp”.
Ví dụ, nến thơm chứa nhiều hóa chất độc hại như chất paraffin có trong nến, carbon monoxide (CO), axeton, chì, toluen, aeton, focmaldehit, dẫn xuất của benzen, metylen clorua. Trong khi đó, theo nghiên cứu của một số chuyên gia, hóa chất trong các sản phẩm tạo mùi thơm tinh dầu có chứa toluen, axeton, focmaldehit… Những chất này có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh, vô sinh, tổn thương hệ thần kinh, nguyên nhân gây ra bệnh ung thư thực quản. Điều đáng nói, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu ảnh hưởng nề nhất.
Vì vậy, mỗi chúng ta hãy thật cẩn trọng trong việc lựa chọn các sản phẩm chất khử mùi. Đó phải là những sản phẩm có nguồn gốc sản xuất, thành phần cấu thành đảm bảo chất lượng và đặc biệt có tem mác chính hãng rõ ràng để có thể bảo đảm sức khỏe của gia đình và người thân.
Theo Vietq